Product Manager nên chọn làm sản phẩm nào để dễ thành công?
Ở phần trước, tôi đã chia sẻ về việc chọn môi trường và chọn sếp trong những năm đầu tiên khi bước vào nghề PM. Bây giờ tới lúc chọn sản phẩm để làm.
Câu hỏi trên tiêu đề thật khó trả lời vì:
Không có thành công nào là dễ cả
Nếu tôi biết thì tôi đã thành công rồi
Đầu tiên hãy định nghĩa về thành công.
Năm 2018, tôi đảm nhiệm vị trí PM của sản phẩm Zalo Call. Tôi được tham gia vào các quyết định chiến lược cho sản phẩm này (dĩ nhiên với sự advise từ các lãnh đạo), phát triển tính năng gì, roadmap như thế nào.
Mục tiêu khi ấy là chiến thắng đối thủ Messenger trong cuộc đua thị phần VOIP (thuật ngữ chuyên ngành, viết tắt của Voice Over Internet Protocol).
Thực ra nếu chỉ coi Messenger là đối thủ duy nhất thì cũng không đúng hết, chúng tôi còn phải đối mặt với Viber, WhatsApp, Facetime, v.v… đồng thời chính thói quen gọi điện thông thường qua nhà mạng cung cấp SIM (gọi là Native Call) vẫn đang là một Substitute Competitor lớn.
3 năm sau.
Đầu 2021, tôi và các đồng nghiệp team User Research đã thực hiện Market Research trên diện rộng với lượng lớn sample, chính thức xác nhận Zalo Call đã có vị trí #1 thị phần, vượt xa đối thủ Messenger và hầu như thay thế hành vi gọi điện qua Native.
Không chỉ thực hiện nghiên cứu định lượng mà chính tôi lúc nhìn vào số liệu báo cáo DAU, MAU đã tự tin rằng số người dùng sản phẩm đủ lớn để áp đảo đối thủ, kèm theo một số Engagement Metrics khác bổ trợ (số cuộc gọi, thời lượng gọi, v.v…).
Dành cho những bạn nào chưa biết thì DAU, MAU là viết tắt của Daily Active User và Monthly Active User. Đây là metrics quan trọng để đo số người dùng thực sự active trên sản phẩm của bạn. Thông thường tôi cũng có thể viết tắt là A1 và A30.
Xét về mục tiêu thì chúng tôi (tôi và đội ngũ) đã đạt, chúng tôi ăn mừng vì điều đó.
Câu hỏi: “Vậy tôi đã đạt được thành công với vai trò là PM của sản phẩm này?”
Thành công có phải đích đến?
Đích đến ở đây chính là mục tiêu mà chúng ta muốn hoàn thành, đạt được đó.
Nếu mục tiêu đủ lớn, bạn gọi nó là tầm nhìn (Vision).
Nếu mục tiêu vừa phải, ngắn hạn hơn thì bạn thường gọi nó là Objectives, là Goals, là Key Results.
Nhiều người xem việc đạt được mục tiêu chính là thành công.
Ngược lại, không đạt nghĩa là thất bại.
Tôi từng bị một số bạn trong team tranh luận, thậm chí tỏ ra không ưng chỉ vì tôi đã đặt ra những mục tiêu khá high. Sau đó cuối năm cả team chỉ đạt tầm 80% so với con số đề ra.
Bị coi là thất bại và cũng nhiều người đề xuất tôi nên set mục tiêu năm sau thấp hơn tí, cốt để là dễ đạt hơn.
Tôi hỏi: “Nếu chúng ta set những mục tiêu chỉ để dễ dàng đạt được thì liệu việc đạt được có còn ý nghĩa nữa không?”.
Tôi cũng không phải người theo chủ nghĩa mộng mơ và đề ra những mục tiêu ngoài sức tưởng tượng, nhưng tôi biết mục tiêu mà chúng tôi chọn đủ khó để giúp chúng tôi trưởng thành.
Khi chúng ta bước trên hành trình, chúng ta dần trưởng thành hơn
Thành công không phải là một đích đến mà nó là một hành trình.
Câu định nghĩa này tốt hơn nhưng để trọn vẹn thì theo tôi chính đích đến cũng đã là một phần của hành trình.
Hành trình làm cho sản phẩm ngày càng trở nên giá trị hơn chính là sự thành công của PM.
Tôi cho rằng khi đã xây dựng sản phẩm rồi thì không có một đích đến nào cố định. Bạn sẽ luôn muốn tạo ra những cái mới, tìm kiếm những mục tiêu mới cho sản phẩm. Lúc này chỉ có sản phẩm trưởng thành hơn, và người làm sản phẩm cũng vậy.
iPhone đã trải qua bao nhiêu phiên bản nâng cấp, các ứng dụng trên di động đã trải qua bao nhiêu phiên bản cập nhật, mọi thứ đều cố gắng để trở nên ngày một giá trị hơn với người dùng.
Nếu bạn đang làm một sản phẩm và cả bạn lẫn sản phẩm bạn làm đều trưởng thành hơn, bạn là một PM thành công.
Vậy chọn sản phẩm gì để làm bây giờ?
Sản phẩm nào cũng có giá trị riêng của nó, bạn không cần phải qua cứng nhắc khi tự thuyết phục rằng bạn chỉ phù hợp để làm sản phẩm thuộc category này hoặc tự đánh giá sản phẩm nào đó không có tiềm năng tăng trưởng.
Aaron Krause đã thành công trong việc biến một miếng rửa chén từ một thứ nhàm chán, đơn giản trở thành thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đô la. Bạn có thể tìm kiếm với từ khóa “Scrub Daddy”.
Tôi chỉ có thể đúc kết về việc lựa chọn sản phẩm sao cho phù hợp thông qua 3 tiêu chí:
Sản phẩm mang lại giá trị thực sự cho người dùng
Bạn có thể góp phần khiến cho sản phẩm trở nên giá trị hơn
Bạn có cơ hội trưởng thành hơn từ việc xây dựng, phát triển nó
Hãy luôn đặt giá trị lên hàng đầu. Value là một từ khóa quan trọng gắn với Product và cả Product Manager.
Trước khi sếp cũ chia tay tôi, anh ấy có một câu nhắn nhủ:
“Đừng cố gắng làm người thành công, hãy cố gắng trở thành người có giá trị”.
Câu này sếp bảo là từ Einstein.
Có lẽ việc xây dựng một sản phẩm có giá trị vẫn luôn là điều mà những con người làm sản phẩm như chúng tôi hằng theo đuổi.
Chào mừng bạn bước vào hành trình…